Thành phần và sản xuất Bột màu lam Ai Cập

Một số thí nghiệm đã được các nhà khoa học và khảo cổ học, những người quan tâm đến việc phân tích thành phần của bột màu lam Ai Cập và các kỹ thuật được sử dụng để sản xuất nó, thực hiện. Hiện nay nó thường được coi là một vật liệu đa pha được sản xuất bằng cách nung nóng hỗn hợp cát thạch anh, một hợp chất đồng, canxi cacbonat và một lượng nhỏ chất kiềm (tro từ thực vật chịu muối, thực vật ưa muối hoặc natron) ở nhiệt độ giữa 800 và 1.000 °C (1.470 và 1.830 °F) (tùy thuộc vào lượng kiềm được sử dụng) trong vài giờ.[12] Sản phẩm thu được là cuprorivait hay bột màu lam Ai Cập, cacbon dioxit và hơi nước:

Cu2CO3(OH)2 + 8 SiO2 + 2 CaCO3 → 2 CaCuSi4O10 + 3 CO2 + H2O

Ở giai đoạn cuối cùng, bột màu lam Ai Cập bao gồm các tinh thể màu xanh lam hình chữ nhật lẫn với thạch anh chưa phản ứng và một số thủy tinh. Từ việc phân tích một số mẫu từ Ai Cập và những nơi khác, tỷ lệ phần trăm trọng lượng của các vật liệu được sử dụng để tạo ra bột màu lam Ai Cập thời cổ đại được xác định là thường nằm trong khoảng sau:[12]

60–70% silica (SiO2)7–15% canxi oxit (CaO)10–20% đồng(II) oxit (CuO)

Để có được cuprorivait theo lý thuyết, trong đó chỉ có các tinh thể màu xanh lam xuất hiện, không có quá nhiều thạch anh chưa phản ứng hoặc không hình thành thủy tinh, cần phải sử dụng các tỷ lệ phần trăm sau đây:[12]

64% silica15% canxi oxit21% đồng oxit

Tuy nhiên, không có mẫu từ thời cổ đại đã phân tích nào được tạo ra từ thành phần chính xác này, vì tất cả đều có lượng dư silica, cùng với lượng dư CuO hoặc lượng dư CaO.[13] Điều này có thể là cố ý; sự gia tăng hàm lượng kiềm làm cho bột màu chứa nhiều thạch anh chưa phản ứng hơn nằm trong chất nền thủy tinh, do đó làm cho kết cấu cứng hơn.[12] Tuy nhiên, việc hạ thấp hàm lượng kiềm (dưới 1%) không cho hình thành thủy tinh và kết quả là bột màu lam Ai Cập mềm hơn, với độ cứng chỉ 1–2 Mohs.[13]

Ngoài cách mà các thành phần khác nhau ảnh hưởng đến kết cấu, cách gia công bột màu lam Ai Cập cũng ảnh hưởng đến kết cấu của nó, khi xét về độ thô và mịn. Sau một số thử nghiệm, Tite et al. kết luận rằng bột màu lam Ai Cập kết cấu mịn cần hai công đoạn để có được các tinh thể xen kẽ đồng đều. Đầu tiên, các thành phần được nung nóng và kết quả là tạo ra sản phẩm có kết cấu thô. Sau đó nó được nghiền thành bột mịn và thêm nước. Sau đó, bột nhão (hồ) được định hình lại và nung lại ở nhiệt độ từ 850 đến 950 °C trong một giờ. Hai công đoạn này có lẽ là cần thiết để tạo ra một loại bột nhão đủ tốt để sản xuất các đồ vật nhỏ. Tuy nhiên, bột màu lam Ai Cập kết cấu thô có thể không trải qua công đoạn thứ hai. Vì nó thường được tìm thấy ở dạng phiến (trong các thời kỳ vương triều) và viên (trong thời kỳ thuộc Hy-La), hoặc là chúng có thể đang chờ để được xử lý trong công đoạn thứ hai sau đó chúng sẽ được nghiền và tạo kết cấu mịn hoặc là chúng sẽ được nghiền để sử dụng như một bột màu lam.[12]

Độ đậm nhạt của màu lam đạt được cũng liên quan đến độ thô và độ mịn của bột màu lam Ai Cập, vì nó được xác định bởi mức độ kết tụ của các tinh thể lam Ai Cập. Bột màu lam Ai Cập kết cấu thô có hình dạng tương đối dày, do các cụm tinh thể lớn bám vào thạch anh chưa phản ứng. Sự kết tụ này tạo ra sắc lam đậm là màu của bột màu lam Ai Cập thô. Ngoài ra, bột màu lam Ai Cập kết cấu mịn bao gồm các cụm nhỏ hơn xen kẽ đồng đều giữa các hạt thạch anh chưa phản ứng và có xu hướng có màu nhạt hơn.[12] Tuy nhiên, màu lam nhạt phai màu được sử dụng để mô tả màu của bột màu lam Ai Cập kết cấu mịn với một lượng lớn thủy tinh được hình thành trong thành phần của nó, che đi màu lam và tạo cho nó vẻ ngoài phai màu. Nó phụ thuộc vào mức độ chất kiềm được thêm vào hỗn hợp, do đó, với nhiều kiềm hơn thì thủy tinh hình thành nhiều hơn và màu trông càng phai.[12] Loại màu lam Ai Cập này đặc biệt rõ ràng từ thời Vương triều thứ 18 trở đi, và có lẽ gắn liền với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thủy tinh vào thời gian này.[5]

Nếu một số điều kiện nào đó không được đáp ứng, chất lượng của bột màu lam Ai Cập sản xuất ra sẽ không đảm bảo. Ví dụ, nếu nhiệt độ trên 1050 °C, nó sẽ trở nên không ổn định.[14] Nếu thêm quá nhiều vôi thì wollastonit (CaSiO3) hình thành và làm cho bột màu có màu xanh lục. Quá nhiều đồng sẽ dẫn tới dư thừa các oxit đồng như cuprit (Cu2O) và tenorit (CuO).[14]